“Bác ơi” là bài thơ đầy xúc động thể hiện niềm thương tiếc của cả dân tộc Việt Nam trước sự ra đi của Bác Hồ- vị cha già kính yêu của dân tộc. Vậy tình cảm thương yêu, xót thương trước sự ra đi của người như thế nào, các bạn hãy cùng Vietvanhoctro.vn tìm hiểu chi tiết trong bài soạn Bác ơi dưới đây nhé!
I. Tìm hiểu về bài thơ Bác ơi của nhà thơ Tố Hữu
Câu 1: Nỗi đau xót lớn lao trước sự kiện Bác Hồ qua đời được diễn tả như thế nào qua bốn khổ thơ đầu?
Trả lời
Nỗi đau xót, niềm tiếc thương vô hạn của cả dân tộc Việt Nam được thể hiện chân thực, cảm động qua 4 khổ thơ đầu:
– Bác ra đi là sự mất mát lớn của toàn dân tộc, không chỉ người dân cảm thấy đau xót mà đến cây cỏ, đất trời cũng xót thương “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.
– Nhà thơ hồi tưởng lại những kỉ niệm về Bác “Con lại lần theo lối sỏi quen/ Đến bên thang gác đứng nhìn lên”.
– Tất cả mọi cảnh vật xung quanh như lặng đi trước nỗi đau quá lớn này
“Chuông ơi chuông nhỏ còn kêu nữa?
Phòng lạnh, rèm buông, tắt ánh đèn!”
“Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài?”
=> Bốn khổ thơ đầu là tâm trạng buồn đau, tiếc nuối, là tiếng khóc nghẹn ngào của nhà thơ Tố Hữu trước sự ra đi của Bác.
Câu 2: Sáu khổ thơ giữa bài thơ tập trung thể hiện hình tượng Bác Hồ như thế nào?
Trả lời
Bác Hồ hiện lên là người có tấm lòng bao dung, gần gũi với nhân dân, một đời hi sinh cho dân tộc Việt Nam:
– Tấm lòng yêu thương nhân đạo của Người đã ôm trọn cả giang sơn gấm vóc. Bác luôn nghĩ cho nhân dân, chưa giây phút nào nghỉ ngơi cho riêng bản thân mình.
“Bác ơi, tim Bác mệnh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”
“Bác chẳng buồn đâu Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…”
– Bác dành tình thương của mình cho tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, tuổi tác; Bác cũng yêu thích những vật bé nhỏ, mong manh như ngọn lúa, nhành hoa. Bác là người có tâm hồn cao cả, một nhân cách lớn.
– Người luôn đau đáu một nỗi lòng về miền Nam ruột thịt “Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa”.
– Bác Hồ sống một đời giản dị, dành cả cuộc đời của mình vì dân, vì nước. Một con người có lí tưởng cao cả, con người có phẩm chất tốt đẹp ấy lại có những lối sống vô cùng giản dị mà thanh cao “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
– Bác Hồ vừa hiện lên là người có tầm vóc lớn lao với những lí tưởng cao cả, nhưng đồng thời cũng là vị cha già đáng kính của cả dân tộc không chỉ hiện tại mà mãi đến muôn đời sau.
Câu 3: Nêu rõ cảm nghĩ của mọi người trước sự ra đi của Bác Hồ?
Trả lời
– Bác ra đi là sự mất mát lớn của toàn dân tộc. Ngày Bác mất cả nhân dân khóc thương, trời cũng đổ mưa ướt lạnh.
– Giữa những năm tháng kháng chiến chống Mĩ cam go, ác liệt, Bác mất là sự tổn thất lớn lao cả về tinh thần lẫn vật chất của toàn dân tộc. Với nhân dân miền Nam, nỗi mong nhớ vị cha già, mong ước được gặp Người khi đất nước sum họp đã không thực hiện được.
– Cả dân tộc nguyện đi theo lí tưởng và con đường mà Bác đã lựa chọn, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp cứu nước của Người.
II. Luyện tập
Nguồn bài viết: Soạn văn Bác ơi Ngữ văn 12 Tại: Hoami.edu.vn
Chuyên Mục Văn Mẫu Lớp 12