MS783 – Nghị luận xã hội về câu nói: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
Đặt vấn đề: Mục đích học của chúng ta là gì?
Mục đích học tập được đề xướng bởi UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.
2. Thân bài:
a, Học để biết:
Học để hiểu biết về thế giới, mở rộng kiến thức của bản thân.
Học để biết cách xử lý các vấn đề trong cuộc sống.
Học để biết đối nhân xử thế.
b, Học để làm:
Học để làm việc: làm được, làm đúng, làm tốt công việc của mình
học để làm người: vận dụng những kiến thức mình biết vào thực hành một cách khéo léo và hiệu quả.
Cống hiến cho xã hội tài năng, sức khỏe của mình một cách thông minh và hiệu quả.
c, Chung sống:
Thích nghi với mọi môi trường sống,
Hòa nhập xã hội, giao tiếp ứng xử, mở rộng quan hệ xã hội.
Truyền cảm hứng cho người xung quanh.
d, Khẳng định mình:
Tạo được vị trí của bản thân trong tập thể, xã hội.
Khẳng định mình, tạo nên thương hiệu riêng cho bản thân: trình độ, sáng tạo, nhân cách, phẩm chất cá nhân.
e, Mở rộng vấn đề:
Mục tiêu thường thấy về vấn đề học tập của mọi người hiện nay.
Những tích cực của việc học tập có mục tiêu rõ ràng và ngược lại, từ đó liên hệ đến bản thân hoặc những ví dụ cụ thể.
3. Kết bài:
Khẳng định lại vai trò của việc học, và việc học có mục đích.
Bài văn tham khảo
Thế hệ của những con người sinh ra trong thời bình như chúng ta đã coi sự học là một phần không thể thiếu trong hành trình bước vào đời của bất kì một công dân nào trên trái đất này. Chúng ta được sinh ra, đủ tuổi thì đến trường và có nhiều khi đã coi việc học như thể là một nghĩa vụ mà cha mẹ đặt lên vai mình mà không phải là một ân huệ được trao cho mỗi người khi sinh ra. “Học” không chỉ là việc chúng ta đến trường, đọc vô vàn cuốn sách, biết hàng ngàn công thức toán lý hóa. Sự học ở đây là vô cùng vô tận. Và cái chúng ta cần học đâu chỉ là việc chúng ta đến trường.
Có lẽ chính vì chỉ hiểu việc học ở một phần thiển cận là nạp kiến thức vào đầu nên rất nhiều người đã tự hỏi bản thân mình rằng “học để làm gì?”. Và để trả lời cho câu hỏi trên tổ chức UNESCO đã đúc kết cho chúng ta rằng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”.
Đại đa số mọi người đều hiểu sự học ở mức “học để biết”. Trong cuộc sống này bất cứ thứ gì chúng ta muốn làm được, làm tốt đều phải học. Ngay cả cách đi đứng, ăn nói. Mọi thắc mắc trong cuộc sống muốn được giải đáp đều phải học. Vì sao có chúng ta, vì sao trời lại nắng và mưa, vì sao lại có mặt đất và biển cả,… tất cả những câu hỏi trên muốn được giải đáp đều phải học.
Nhưng những thứ chúng ta học không chỉ là những kiến thức nền tảng, những kiến thức phổ thông mà sự học còn là việc chúng ta biết làm thế nào để cứu người khi chết đuối, làm thế nào khi lạc trong rừng, làm thế nào khi bị đứt tay, chảy máu,… mọi cách xử lý tình huống trong cuộc sống chúng ta đều phải được học. Học không hẳn là cứ đọc trong sách vở, đến các trường học và các trung tâm thì mới được gọi là học. Học cách ứng xử với mọi tình huống nhiều khi chúng ta học được từ nhiều lần vấp ngã trước của bản thân. Chúng ta học từ một người bạn nào đó đã từng vấp ngã, học từ một người ông và người bà nào đó có đủ kinh nghiệm sống trên đời.
Chúng ta không chỉ học để sống tốt cho mình chúng ta mà chúng ta còn học để biết chung sống với những người xung quanh. Biết thế nào là “nhân – nghĩa – lễ – tín”, biết thế nào là một người tốt và biết làm những điều gì sẽ trở thành người xấu.
Giai đoạn kế tiếp của sự học đó chính là học để làm, ở giai đoạn này phần lớn mọi người đều làm tốt. Khi mọi người có kiến thức rồi thì mọi việc họ muốn làm sẽ dễ dàng hơn. Không ai sinh ra đã trở thành một người thợ xây giỏi. Anh ta phải học, anh ta phải biết rất nhiều kiến thức về đất, về địa hình, về thiết kế,… Và khi anh ta biết các kiến thức đó rồi anh ta còn phải học cách để vận dụng các kiến thức nền tảng vào công việc một cách hiệu quả nhất. Chúng ta học để biết thì chưa đủ, học còn để làm được, làm tốt nữa.
Chúng ta thường nghe nói về việc “học làm người”, đó chính là việc vận dụng những thứ mình biết vào cuộc sống để làm sao chung sống hòa hợp với cộng đồng. Chúng ta thích những người tốt, những người có tấm lòng lương thiện, biết yêu thương và sống vị tha với mọi người nhưng làm thế nào chúng ta có thể giống họ? Nếu bạn đã và đang tự mình hỏi câu hỏi như thế có nghĩa là bạn đang cần phải học đấy. Người hiền lành, tốt bụng, vui tính hòa đồng không bằng một người tinh tế. Lý do là gì ư? bởi vì “nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại”, bạn có thể là một người tốt, một người vui vẻ hòa đồng nhưng những thứ ấy không được vận dụng đúng nơi đúng chỗ thì sẽ trở nên lố bịch và bạn sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ mà thôi. Và làm sao để thành một người tinh tế? đương nhiêu là phải học.
Học không chỉ để biết, học không chỉ để làm được và làm tốt mà còn học để có thể làm mọi việc ở mức hiệu quả nhất. ví dụ như hai người phụ nữ cùng thêu một bức tranh lớn. Một người phải dành suốt ba ngày ba đêm mới xong một bức tranh thêu, nhưng người còn lại chỉ mất hai ngày để làm xong tất cả. Cả hai đều có đủ kiến thức về thêu thùa, cả hai cùng có cùng sức khỏe như nhau nhưng cách làm của họ lại khác nhau. Thứ làm nên sự khác biệt của họ chính là cách cả hai vận dụng những kiến thức mình có vào trong công việc để làm sao hiệu quả nhất và tiết kiệm thời gian nhất. Để làm được điều đó chúng ta cũng cần phải học.
Khi chúng ta có kiến thức, chúng ta biết cách làm tốt nó rồi thì chúng ta phải học cách làm sao để có thể sống hòa hợp với tất cả mọi người xung quanh. Như dân gian có câu: “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” nó cũng chỉ sự linh hoạt trong cách chung sống và ứng xử. Bạn là một người thanh lịch, chỉ ăn trên bàn, ăn bằng đũa, bằng dao nĩa,…Thức ăn được bỏ từng phần riêng không chung đụng với bất cứ ai, khi ăn phải có khăn trải,… điều đó là rất tốt nhưng có phải điều bạn làm tốt ấy vận dụng vào nơi nào cũng được, vận dụng vào văn hóa phong tục nào cũng được? Bạn không thể làm thế khi ăn cơm ở gia đình nông thôn Việt Nam. Bạn không thể khăng khăng nhà hàng ở Ấn Độ chuẩn bị cho bạn giao nĩa và thức ăn riêng rẽ khi văn hóa của họ không dùng nĩa, muỗng. Trong khi tất cả mọi người sống một cách hòa hợp và bình dân ví dụ ngồi chiếu, ăn bốc mà bạn lại khăng khăng làm những điều bạn cho rằng là tốt nhất an toàn nhất đối với sức khỏe thì bạn sẽ bị coi là người không biết điều. Và chắc chắn không sớm thì muộn những người xung quanh sẽ dần xa lánh bạn. Có nhiều điều chúng ta cần phải học và việc học để chung sống hòa hợp với mọi người chính là việc chúng ta phải học nhiều nhất. Chúng ta không thể tồn tại nếu chúng ta sống chỉ biết đến bản thân mình.
Bên cạnh học để chung sống hòa hợp với mọi người trong xã hội thì học để truyền cảm hứng sống tốt đẹp đến những người xung quanh cũng là việc chúng ta cần phải học. Cách bạn sống như một người tử tế, cách bạn ứng xử với mọi thứ xung quanh và cách bạn đón nhận những thử thách chính là một bài học dành cho những người khác đang nhìn vào bạn. Bạn đừng nghĩ rằng việc mình sống tốt hay xấu không quan trọng, không ảnh hưởng đến ai, nó chỉ ảnh hưởng đến một mình cuộc sống của bạn thôi. Mỗi con người trong xã hội như một phân tử nhỏ và chúng ta được liên kết với nhau bằng những mối quan hệ, có thể là bền chặt, có thể là lỏng lẻo. Không phải đơn thuần mà ông bà xưa lại có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, người khác có thể là “mực” hay là “đèn” của bạn thì bạn cũng có thể đang là “đèn” hoặc “mực” của những người khác.
Có khi nào bạn tự hỏi mình, vì sao mình cũng tốt đẹp, mình cũng giỏi giang trong công việc nhưng khi ai đó cần giúp thì bạn không phải là người mà họ nghĩ đến đầu tiên. Có khi nào trong một cuộc trò chuyện tập thể bạn cảm thấy sự tồn tại của mình trở nên dư thừa và dường như sự có mặt của bạn trong môi trường này như vô hình. Bạn sống một cách mờ nhạt và không có gì đáng để người khác phải chú ý đến? Có khi nào bạn ghen tỵ với những người mà chỉ cần họ xuất hiện thì những người xung quanh săn đón, vui vẻ và quan tâm họ? muốn làm được điều đó chúng ta cũng cần phải học. Không phải ai sinh ra cũng đã trở thành tâm điểm của sự chú ý, tất cả đều phải học nếu bạn muốn tạo nên thương hiệu của chính mình. Đó cũng chính là điều cuối cùng trong những mục đích học tập mà UNESCO đề ra cho chúng ta.
Phần lớn mọi người đều coi việc học là để biết, để làm. Một số ít hơn học để có thể chung sống và phần rất nhỏ chọn mục đích học để khẳng định mình. Ở mỗi mục đích học người ta lại phải bỏ công sức khác nhau. Muốn thành công thì phải bỏ công lao. Nhưng dù bạn chọn mục đích học của mình là gì đi nữa thì việc học có mục đích cũng tốt hơn việc bạn cứ đâm đầu vào học một thứ gì đó rồi không biết dùng kiến thức đó để làm gì. Việc học có mục đích cũng như việc bạn sống trên đời cần có mục đích vậy. Ở Việt Nam có rất nhiều người quan niệm du học là điều tốt nhất để chúng ta có kiến thức. Cái gì ở nước ngoài cũng tốt và mọi người cứ đổ xô đi du học. Có những người gia đình vô cùng khó khăn cũng ráng vay mượn để con mình đi du học. Nhưng mục đích của việc du học là gì? có bao nhiêu người có thể trả lời câu hỏi này? Tôi tin chắc rằng chỉ được một số ít lấy việc đi du học là để học tập những cái hay, cái mới của nước bạn. Còn đại đa số người ta coi việc du học như là cách làm đẹp cho hồ sơ xin việc, để lấy danh hay nhiều người chọn việc đi du học là cách lao động chui ở nước bạn. Tôi không phán xét việc đó là đúng hay sai, nhưng ở đây dường như mục đích học đã sai, những điều bạn đang làm không rơi vào bất cứ mục đích nào của sự học cả.
Lê- nin cũng đã từng nói “Học, học nữa học mãi” sự học của mỗi con người không bao giờ có thể dừng lại. trừ khi họ nhắm mắt xuôi tay. Đứa bé mới sinh ra cũng phải học cách thở, cách khóc cười, người già yếu cũng phải học cách chung sống cuối đời với đủ thứ bệnh tật. Chúng ta còn sống là còn phải học nhiều thứ từ sách vở, từ môi trường và từ những người xung quanh. Để việc của chúng ta đạt hiệu quả nhất và có được kết quả tốt đẹp nhất thì điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải biết việc chúng ta học có mục đích gì. Học không có mục đích cũng như việc bạn đang rót thời gian và tiền bạc vào một việc vô ích vậy.
Nguyễn Thị Yến
Nguồn bài viết: MS783 – Nghị luận xã hội về câu nói: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình. Tại: Hoami.edu.vn
Chuyên Mục Văn Mẫu Lớp 12
Trả lời