MS266 – Phân tích tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng

Posted by

MS266 – Phân tích tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng

Dàn ý chi tiết


1. Mở bài:

Ma Văn Kháng là người có tài viết tiểu thuyết. Rất nhiều cuốn tiểu thuyết của ông được phổ biến ở thời bấy giờ và làm nên tên tuổi của ông: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Mùa lá rụng trong vườn. Nội dung tiểu thuyết của ông đầy chiêm nghiệm và có ý thức lưu giữ những nét đẹp xưa cũ.

Nội dung chủ yếu của tiểu thuyết mùa lá rụng trong vườn là nói về một gia đình với nhiều thế hệ bị sự thay đổi của nền kinh tế thị trường tác động sâu sắc và mạnh mẽ đến nếp sống và nếp nghĩ của từng con người trong gia đình.

Đoạn trích trong sách giáo khoa lớp 12 thuộc chương hai của tiểu thuyết. Mang một không khí lắng đọng và thiêng liêng của một ngày cuối năm. Từng câu chữ, từng chi tiết cho một ngày ba mươi tết gợi cho người đọc trân trọng hơn những giá trị văn hóa dân tộc cổ truyền.

2. Thân bài:

Giá trị lớn lao của phong tục đón tết cổ truyền dân tộc:

  • Là dịp cho những thành viên trong gia đình có dịp đoàn tụ.
  • là dịp bày tỏ tình cảm yêu thương của bản thân đối với từng thành viên trong gia đình.
  • là dịp để người của hiện tại biết hướng nhớ đến những người đã khuất.

Những chi tiết miêu tả kĩ lưỡng về những con người trong thời đại mới đang cùng nhau đón một cái tết cổ truyền:

  • nhân vật chị Hiền: Một người phụ nữ trạc ngoài năm mươi, vẫn còn hăng say với công việc chung của cộng đồng: chị làm chủ nhiệm hợp tác xã dệt thảm ngô; Một người phụ nữ lương thiện và giản dị trong chiếc áo bông trần hạt lựu. Hiếu kính với cha mẹ, ngay với cả cha mẹ chồng trước –  người đã không còn liên quan đến mình từ 10 năm về trước và chị có quyền quên đi bổn phận làm dâu.
  • Ông Bằng: Đã lớn tuổi nhưng phong thái vẫn rất uy nghiêm. Vẫn là một trụ cột đầy quyền uy trong gia đình. Là người giữ gìn phép tắc gia đình. Tuy vậy nhưng ông Bằng vẫn là một người có trái tim ấm áp, ông rất quý những người biết giữ gìn truyền thống hiếu kính như chị Hoài. Người đàn ông mạnh mẽ ấy cũng biết khóc khi gặp lại một người con hiếu thảo sau 10 năm xa cách.Ông cũng không chấp nhận những hành động xa rời với phép tắc gia đình, hành động vượt biên của người con trai tên Cừ là không thể chấp nhận và ông nhất định không nhắc đến tên trong lễ cúng đêm 30.

Những chi tiết thấm đẫm tình cảm gia đình trong một đêm ba mươi nhiều cảm xúc:

  • Hình ảnh chị Hiền soạn quà quê và bắt đầu hỏi han những chị em trong gia đình.
  • giây phút gặp lại người cha dù không có ơn sinh thành nhưng lại chứa chan tình cảm
  • mâm cỗ tết đầy đủ những món ăn truyền thống, chứa đựng tâm huyết của bàn tay người nấu.

3. Kết bài:

>> Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm

Sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng vẫn đầy thanh lịch khiến cho câu chuyện đến với người đọc một cách nhẹ nhàng và sâu lắng.

sử dụng những hình ảnh thân thuộc nhất, phổ biến nhất. Miêu tả sinh động từng chi tiết nhỏ nhặt nhất để đem đến sự rung động từ sâu thẳm trái tim người đọc.

Bài văn tham khảo

Nếu bạn là người muốn tìm về lại với những truyền thống xưa cũ, muốn cảm nhận được nét đẹp cổ kính, mẫu mực trong văn hóa xưa kia của dân tộc Việt Nam thì có lẽ không nên bỏ qua những cuốn tiểu thuyết để đời của nhà văn Ma Văn Kháng như: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Mùa lá rụng trong vườn,…

   Nội dung tiểu thuyết của Ma Văn Kháng không phải là một cuốn sách nghiên cứu về văn hóa đời sống nhưng tác giả lại dành khá nhiều tâm huyết và không gian để miêu tả tỉ mỉ những nét đẹp trong đời sống theo từng thời kỳ phát triển của đất nước. Tiêu biểu cho phong cách sáng tác nhã nhặn mà sâu sắc của nhà văn có lẽ phải kể đến cuốn tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” với nội dung chính nói về một gia đình gia giáo sống ở thời kỳ đất nước đổi mới. một gia đình với nhiều thế hệ bị sự thay đổi của nền kinh tế thị trường tác động sâu sắc và mạnh mẽ đến nếp sống và nếp nghĩ của từng con người trong gia đình. Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơ chế mới ấy có lẽ là những người đã có tuổi như ông Bằng. Những con người thuộc lớp người cũ, trong xã hội cũ như ông luôn răn dạy bản thân và những người thân trong gia đình sống sao cho đúng chuẩn mực và để không phải xấu hổ với người xung quanh. Nhưng cơ chế thị trường thay đổi, những giá trị truyền thống mất dần. Có những giá trị xưa nay được tôn kính nay lại thành cổ hủ lạc hậu. Những người lớn tuổi như ông Bằng không còn nhiều thời gian để có thể đổi thay theo cái mới và cứ vương vấn mãi với một thời vàng son trong đời sống cũ.

   Đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 thuộc chương hai của cuốn tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” với nội dung chính là không khí của một gia đình lễ giáo cũ và mới đan xen nhau tạo nên một không khí vừa ấm áp vừa cảm động vào một ngày cuối năm đầy cảm xúc.


   Giá trị truyền thống của một cái tết cổ truyền từ trước đến nay dường như không có nhiều thay đổi. Ngày tết vẫn là thời gian quý giá nhất trong một năm dài để tất cả những thành viên trong gia đình có dịp đoàn tụ với nhau. Trong gia đình ông Bằng cũng vậy, con gái con dâu đều đã tề tựu đông đủ để chuẩn bị mâm cơm cúng chiều ba mươi để rước tổ tiên về nhà ăn tết. Dịp tết cũng là một cái cớ rất nhân văn để một người con dâu đã xa cách mười năm như chị Hiền có dịp về lại gia đình của người chồng trước. Vốn dĩ chị đã không còn là vợ của anh cả Tường nữa vì vậy việc hiếu kính với ông Bằng hay quan tâm chăm sóc các em trong nhà không còn là bổn phận của chị nữa.

>> Xem thêm:  Top 15 Bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Phương Anh

   Thế nhưng những người trong nhà vẫn còn nhớ đến chị, thương yêu và mong ước được gặp lại chị  như là một người con ruột trong gia đình. Chính nhờ vào tấm lòng thơm thảo của chị Hiền, tính tình vui vẻ hiền lành, siêng năng và khéo léo mà một người vốn là người dưng lại trở thành người trong một nhà. Còn một người vốn là máu mủ ruột rà, chỉ vì không biết giữ gìn lề thói, chạy theo sự thay đổi của xã hội mới nên dường như vị trí cũng biến mất khỏi gia đình. Ông Bằng thật sự đã từ bỏ đứa con ruột như cậu Cừ.

   Cảnh đoàn viên của chị Hiền với gia đình ông Bằng mang lại một cảm xúc gì đó rất gần gũi và chân thật giữa người thân với người thân trong gia đình. Người đọc có thể cảm nhận được niềm vui lan tỏa trong từng câu chữ. Từ cách các em ôm lấy chị, dẫn chị vào nhà. Đứa đi trước, đứa quàng tay, đứa thì bẽn lẽn đi bên cạnh. Người ta xa cách một năm đã thấy quá dài. Người trong nhà xa cách quá lâu còn có thể phai nhạt tình cảm. Ấy vậy mà với chị Hiền, người con dâu đã rời căn nhà ấy hơn mười năm vẫn được chào đón như thể chị ấy lâu nay vẫn sống cùng mọi người. Cũng có thể vì chị Hiền là một người con dâu quá đỗi tuyệt vời nên khi về lại với gia đình ông Bằng mới khiến người nhà yêu thương chị nhiều đến thế. Nhưng có thể cũng vì chị đã xuất hiện đúng cái ngày người ta mong một sự vẹn tròn, đoàn viên nhất nên việc gặp lại chị mới ấm áp tình người đến vậy.

   Đoàn viên đâu chỉ có việc trao cho nhau những cái ôm siết, chị Hiền còn lanh lợi chia quà quê cho từng người trong gia đình. Một người đã xa cách mười năm nhưng vẫn nhớ như in những tính cách những thói quen từng người trong gia đình. Chị vẫn biết cha chồng mình thích ăn giò. Những thức quà quê giản dị đơn sơ như gạo nếp, hạt giống mướp hương,… Cách chị Hiền hỏi han mỗi người trong nhà không ngớt, cách chị chỉ trồng mướp thế nào, ở đâu, vào lúc nào thì tốt cứ như thể chị chưa từng ra đi khỏi căn nhà này.

  Bên cạnh cảnh đoàn viên gây nhiều xúc động giữa những thế hệ khác nhau trong gia đình trước thềm năm mới thì cảnh trang trọng, uy nghiêm của một gia đình trước lễ cúng năm mới cũng gây xúc động không kém. Cảm giác thiêng liêng khi đứng trước bàn thờ tổ tiên không phải là cảm giác chỉ gặp ở trước thềm năm mới mà hầu như những con người Việt Nam dù cho là ai đi chăng nữa khi tay cầm nén nhang và đứng trước bàn thờ gia tiên đều mang một cảm giác chung như vậy. Về tục lệ cúng gia tiên vào chiều ba mươi tết mang rất nhiều ý nghĩa và rất nhiều nghi thức. Nhưng có thể hiểu một cách đơn giản rằng vào ngày cuối cùng của một năm dài. Những người còn sống luôn muốn gửi đến lòng biết ơn của tổ tiên đã phù hộ cho gia chủ một năm suôn sẻ, người chủ gia đình sẽ báo cáo những việc tốt đẹp của từng thành viên trong gia đình và cầu bình an cho tất cả. Mong tất cả những thành viên trong gia đình một năm mới đến nhiều thành công và bình an hơn. Đây thật sự là một truyền thống đẹp về “uống nước nhớ nguồn” nhất định phải gìn giữ và lưu truyền muôn đời cho con cháu.

>> Xem thêm:  Soạn bài Nhớ rừng đầy đủ hay nhất

   Ngoài truyền thống đoàn viên ngày cuối năm và thờ cúng tổ tiên được miêu tả thật chân thực thì tác giả Ma Văn Kháng cũng dành rất nhiều tâm huyết để có thể miêu tả thật sinh động mâm cơm chiều ba mươi ở gia đình ông Bằng. Trên bàn thờ chưng đủ lễ nghi với hương vòng, bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, ngọn đèn dầu để châm hương trong a ngày tết, những chén rượu cúng nhỏ xíu được xếp ngay ngắn,… Còn ở bàn ăn cũng thịnh soạn các món với gà luộc, giò, chả, nem, măng hầm chân giò, miến nấu lòng gà, xúp lơ xào thịt bò,… thêm các món ăn độc đáo do chị Lí đích thân chọn lựa nguyên liệu và chế biến công phu như: gà quay ướp húng lìu, vịt tần hạt sen, chả thìa, mọc, vây,… Tất cả món ăn trên bàn đều được múc thật đầy ắp để trông một mâm cơm ngày tết thật sum sê no đủ. Bên cạnh những thứ có thể ăn được là một cây quất sai trĩu cành sà vào cả mâm thức ăn tạo không khí đủ đầy dư giả cho gia chủ.

   Tác giả có lẽ muốn gửi gắm rất nhiều điều về tâm trạng và cảm xúc của mình đối với một chương viết về một ngày tết cổ truyền. Nhưng thứ mà người đọc cảm nhận được nhiều nhất đó chính là cảm giác chính mình cũng có một gia đình, cũng có những thế hệ từ già đến trẻ, có những người quá tốt đẹp như chị Hiền và cũng có những người con chưa tốt như anh Cừ. Chính nhờ sự chân thực trong tác phẩm đã lây lan cảm xúc yêu thương gia đình của mình hơn cho rất nhiều độc giả.

Nhà văn sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng vẫn đầy thanh lịch khiến cho câu chuyện đến với người đọc một cách nhẹ nhàng và sâu lắng. Cùng những hình ảnh thân thuộc nhất, phổ biến nhất. Miêu tả sinh động từng chi tiết nhỏ nhặt nhất để đem đến sự rung động từ sâu thẳm trái tim người đọc. Có lẽ cảm xúc chung của mọi người khi khép lại chương hai của “Mùa lá rụng trong vườn” đó là một câu hỏi ẩn hiện trong đầu: “Mình đã đón tết như thế nào với gia đình nhỉ?”

Nguyễn Thị Yến


Nguồn bài viết: MS266 – Phân tích tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng Tại: Hoami.edu.vn

Chuyên Mục Văn Mẫu Lớp 12

Xem Thêm:   Soạn bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *