MS263 – Phân tích tác phẩm Bắt sấu rừng U Minh Hạ của Sơn Nam
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
Sơn Nam là một trong những nhà văn dành trọn cuộc đời mình với tình yêu mảnh đất miền tây. Những tác phẩm tiêu biểu của ông đều viết về những mảnh đất miền tây nam bộ: Bến rừng cù lao Dung, Tây đầu đỏ, Hương rừng Cà Mau, Bến Nghé xưa,…
“Bắt sấu rừng U Minh Hạ” ban đầu được đăng trên tuần báo nhân loại (1957) sau được in trong tập “Hương rừng Cà Mau”
2. Thân bài:
Không gian kể chuyện là vùng đất U Minh Hạ thời mới khai hoang lập đất của nhân dân miền tây. Mảnh đất được miêu tả vừa hoang sơ, phì nhiêu nhưng lại vô cùng nguy hiểm.
- Là nơi rừng thiêng nước độc với bao oan hồn tổ tiên, ông bà rời quê bỏ xứ nơi đây.
- là nơi sinh sống của loài cá sấu nguy hiểm: Thích ăn thịt người – cách nói vừa có chút đùa nhưng lại thể hiện sự gian khó của người dân vùng U Minh Hạ thời vừa khai hoang.
- Ngoài cá sấu còn có các động vật hoang dã khác như hùm, beo,…
- mảnh đất phì nhiêu với những con lạch đầy cá.
Từ hình ảnh mảnh đất vừa nguy hiểm vừa bí ẩn ấy cho ta thấy được sự gan dạ của những con người miền tây. Họ sống chung với cá sấu, coi như con thủy quái ấy cũng như là một con cá bình thường, chỉ là cần dè chừng hơn. Việc bắt sấu, câu sấu trở thành một cái nghề có thể hái ra tiền.
Điển hình cho hình ảnh người miền tây gan dạ, thông minh đó chính là ông Năm Hên. Ông vừa có tài bắt sấu khác người vừa là một con người giàu tình cảm. Ông bắt sấu vì nuôi mối thù giữa bọn sấu với người anh trai bạc phận đã bị sấu bắt. Khi nghe tin ở đâu có sấu hoành hành thì không ngại xa xôi để đến mảnh đất ấy để hành hiệp trượng nghĩa. Trước và sau khi bắt sấu ông luôn thắp nhang lập đàn giải oan cho những linh hồn đã bị cá sấu bắt.
Ngôn ngữ viết của Sơn Nam sử dùng nhiều từ ngữ địa phương như: ăn ong, sanh nhai, chộn rộn, chuyện chi,… Câu văn giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người miền tây.
3. Kết bài:
Tác giả sử dụng hình ảnh một vùng đất U Minh Hạ mang nhiều bí ẩn và hiểm nguy để làm nổi bật lên tinh thần và tình cảm của từng con người trên vùng đất này.
Bằng trọn vẹn tình cảm của mình, tác giả Sơn Nam mang đến cho người đọc một cảm xúc mới lạ, để minh chứng rằng mọi sự đẹp đẽ đều phải trả giá bằng sự hi sinh.
Bài văn tham khảo
Trên dải đất hình chữ S, mỗi vùng đất lại có một dấu ấn rất riêng về phong tục tập quán, về tinh thần của mỗi người dân đối với quê hương xứ sở và đối với những du khách phương xa. Đã từ rất lâu mảnh đất miền tây đã được cả nước ca ngợi là vùng đất “gạo trắng nước trong”, con người miền tây hiền hòa chân chất và vô cùng mến khách. Có lẽ vì thế mà những câu chuyện vùng sông nước ở nơi đây được rất nhiều nhà văn khai thác ví dụ như: Đoàn Giỏi, Anh Đức, Sơn Nam,… Trong đó nhà văn Sơn Nam là một trong những nhà văn có nhiều tác phẩm về những mảnh đất miền tây để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.
Nhà văn Sơn Nam được biết đến là người con của vùng đất miền tây Rạch Giá. Ông lớn lên và làm việc gắn bó với miền sông nước nên có lẽ vì thế mà lời văn của ông mới có thể mượt mà và thấm đẫm tinh thần của người miền tây đến vậy. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam đó chính là “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” ban đầu được đăng trên tuần báo nhân loại (1957) sau được in trong tập “Hương rừng Cà Mau”.
Khác với nhiều tác phẩm khi nói về mảnh đất miền tây đều vẽ lên một bức tranh sông nước hữu tình, cây trái sum sê,… Sơn Nam tìm đến một cái đẹp độc đáo mới lạ ở mảnh đất U Minh Hạ với những ao sấu, với những con người làm nghề bắt sấu đầy bí ẩn. Ông tìm cái đẹp tinh tế trong cách con người đối xử với con người và cách con người miền Tây đối xử với thiên nhiên.
Mở đầu câu truyện tác giả nói về những con lạch, những ao sấu ở rừng U Minh Hạ một cách bình thản và có phần quen thuộc chứ không giống như đang nói về một hiểm họa thiên nhiên nào đó thật ghê gớm. Qua tập tính của loài cá sâu là ưa chỗ nước lặng, nhiều tôm cá,… Tác giả gián tiếp khen ngợi rừng U Minh Hạ tươi đẹp, tôm cá đầy sông. Người ta thường nói “đất lành chim đậu” nhưng đối với dân U Minh Hạ không chỉ là nơi đất lành cho chim đậu mà còn cho “cá sấu đậu” nữa.
Nhà văn còn dí dỏm nói về sự lựa chọn nơi “an cư” của loài cá sấu: “Tuy là thích ăn thịt người, loại sấu vẫn tìm cá làm món ăn chánh. Rừng U Minh hạ thuộc về loại trầm thủy, cá sanh sôi nẩy nở rất nhanh chóng; lên đó tha hồ mà ăn”. Tính cách người dân miền tây quả thật vô tư và phóng khoáng. Một loài thủy quái như cá sấu khiến người nào cũng phải kinh sợ nhưng đối với người dân miền đất này cũng chỉ là một loài để săn bắt và làm nghề mà thôi.
Bằng cách miêu tả sự sanh sôi nảy nở của đàn cá sấu giữa rừng U Minh Hạ, tác giả cho ta thấy rừng U Minh ngày ấy thật sự hoang sơ và nhiều nguy hiểm. Cá sấu sống thành đàn “nhiều như trái mù u chín rụng”. Thế nhưng người dân yêu quê hương nơi đây có bao người chịu rời khỏi mảnh đất nhiều hiểm nguy này mà ra đi, những người dân vẫn trụ lại giữ đất quê hương, khai hoang đất đai chứ không ai bỏ xứ vì đàn sấu dữ.
Rừng U Minh Hạ đâu chỉ có sấu dữ mà còn có cả cọp, beo,… Mặc dù hiểm nguy như vậy nhưng nhịp văn thong thả, tự nhiên của nhà văn Sơn Nam vẫn không hề thay đổi. Nhà văn vẫn dẫn dắt người đọc vào một mảnh đất miền tây với nhiều điều kì bí mới lạ. Có lẽ kì lạ nhất vẫn là người đàn ông bắt sấu bằng tay không, được gọi bằng cái tên thân mật và đậm chất miền tây là “ông Năm Hên”.
Ông Năm Hên không được miêu tả rõ ràng hình dáng nhưng qua lời ăn tiếng nói rất khác thường cùng với tài bắt sấu bằng tay không xưa nay chưa ai làm thì có lẽ người đàn ông này tuy đã lớn tuổi nhưng có sức vóc không hề tầm thường. Cách xuất hiện của ông giữa rạch Cái Tàu cũng nhuộm một không khí ma mị vô cùng. Trên con thuyền nhỏ ông đốt nhang và miệng hát những câu như một bài khấn gửi đến một thế giới tâm linh nào đó đang tồn tại giữa rừng U Minh Hạ này.
Tiếng lành đồn xa, ông Năm Hên lâu nay đã nổi tiếng ở khắp vùng sông nước, nơi nào có sấu thì nơi đó có ông. Khi ông xuôi chèo đến với người dân ở rạch Cái Tàu đã khiến cho người dân nơi đây rất kinh ngạc về hình dáng, về tư trang cá nhân và cả bài hát mà ông thường hát trên sông với giọng rền rĩ ảo não. Nghe tin ông đến với rừng U Minh Hạ để bắt sấu trừ hại cho dân thì người dân ở đây vô cùng vui mừng. Họ đón ông lên bờ, mời ông ăn cơm và nhờ vả ông bắt sấu bằng thái độ rất kính trọng và biết ơn.
Ông Năm Hên đến với nghề bắt sấu cũng thật là hi hữu, đó không phải là một nghề truyền thống gia đình mà chỉ xuất phát từ lòng căm giận lũ sấu ác đã bắt mất người anh trai của ông. Sau này khi nhìn thấy dân làng phải khổ sở sống dè chừng cho nạn sấu hoành hành nên ông đã dong thuyền khắp các con lạch để diệt trừ nạn sấu bằng tài trí của mình. Khi nghe tin ở đâu có sấu hoành hành thì không ngại xa xôi để đến mảnh đất ấy để hành hiệp trượng nghĩa. Hình ảnh nhân vật ông Năm Hên tuy đã được tô vẽ để trông có vẻ hơi “điên” và thần bí, nhưng chính ông lại là hình tượng tiêu biểu cho tính cách bộc trực thẳng thắn, yêu hận rõ ràng của người dân miền Tây. Ông Năm Hên đi bắt sấu trừ hại cho dân cũng chưa từng mở miệng cầu danh lợi hay phú quý, ông làm chỉ vì lòng tốt của bản thân ông dành cho mọi người. Những người dân cũng vì thế mà yêu mến ông, không tiếc cơm, không tiếc của mời ông ở lại và đãi rượu quý.
Có lẽ thứ làm nên linh hồn cho câu truyện này chính là bài hát mà ông Năm Hên cứ hát vang trên sông mỗi lần đi bắt sấu:
Hồn ở đâu đây
Hồn ơi! Hồn hỡi!
Xa cây xa cối,
Xa cội xa nhành,
Ðầu bãi cuối gành
Hùm tha, sấu bắt
Bởi vì thắt ngặt
Manh áo chén cơm
U Minh đỏ ngòm,
Rừng chàm xanh biếc!
Ta thương ta tiếc,
Lập đàn giải oan…
Bài ca tuy mộc mạc và ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một tình cảm sâu nặng, một nỗi tiếc thương vô bờ của ông Năm Hên dành cho những người đã khuất vì manh áo chén cơm, vì con đường mưu sinh trên sông nước rừng U Minh Hạ mà bỏ mạng không còn về với gia đình nữa. Nói riêng tư hơn, ông Năm muốn mượn công việc đi bắt sấu trừ hại như cách để ông giải oan cho linh hồn người anh quá cố của mình chẳng may vì kiếm sống sinh nhai mà mất đi.
Hình ảnh cuối truyện, khi những cụ già nghe thấy tiếng ca não nề của ông Năm Hên mà rưng rưng nước mắt đã gây xúc động rất lớn trong lòng người đọc. Một việc làm phi thường của ông Năm như đã thay cho những con người có tổ tiên, thân quyến đã vì manh áo miếng cơm mà bỏ mạng với những đàn sấu.
Ngôn ngữ viết của Sơn Nam sử dùng nhiều từ ngữ địa phương như: ăn ong, sanh nhai, chộn rộn, chuyện chi,… Câu văn giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người miền tây. Bởi vậy mà văn chương của tác giả đi vào lòng người thật gần gũi và nhẹ nhàng. Bằng trọn vẹn tình cảm của mình, tác giả Sơn Nam mang đến cho người đọc một cảm xúc mới lạ, để minh chứng rằng mọi sự đẹp đẽ đều phải trả giá bằng sự hi sinh.
Nguyễn Thị Yến
Nguồn bài viết: MS263 – Phân tích tác phẩm Bắt sấu rừng U Minh Hạ của Sơn Nam Tại: Hoami.edu.vn
Chuyên Mục Văn Mẫu Lớp 12
Trả lời