MS262 – Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Posted by

MS262 – Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Dàn ý chi tiết


1. Mở bài:

Rừng Xà Nu là một trong những tác phẩm tiếp lửa cho cuộc đấu tranh vũ trang chống Mĩ của đất nước ta năm 1965.

Từ Ý nghĩa nhan đề có thể nắm bắt được tư tưởng chủ đạo của tác phẩm: Rừng xà nu có sức sống mãnh liệt không gì có thể tiêu diệt được. Từ những cây con đến những cây đại thụ đều góp phần vào bảo vệ dân làng Xô Man như chính tinh thần của dân làng Xô Man bảo vệ cách mạng.

2. Thân bài:

Rừng xà nu vừa mang ý nghĩa tả thực về sức sống mãnh liệt của cây xà nu vừa mang ý nghĩa tượng trưng về những con người làng Xô Man quật cường, dũng cảm.

  • cây xà nu non: yếu ớt, bị bom đạn bắn nát mãi không lành được vết thương. vết thương cứ loét mãi rồi mấy ngày sau cây chết. Giống như cái chết tội nghiệp của đứa con vợ chồng T Nú.
  • Cây xà nu nhỏ vượt qua được mưa bom bão đạn thì sẽ càng có sức sống mạnh mẽ hơn: Như T Nú thuở nhỏ nuôi giấu cán bộ, từng làm liên lạc và bị giặc bắt và tra tấn rất dã man. Nhưng khi bị dẫn về làng và bắt khai cho ra cán bộ vẫn kiên cường chỉ vào bụng mình rằng bộ đội ở đây này.
  • cây xà nu trưởng thành: Như T nú sau khi đi tù hai năm, T Nú trưởng thành qua thử thách và trở thành lực lượng chiến đấu chủ đạo của làng Xô Man. T Nú cùng những thanh niên trong làng cùng đoàn kết bảo vệ bình yên cho dân làng. Như những tán rừng xà nu tỏa bóng che chở cho dân làng. Giống như Mai và Dít dù là nữ nhưng tinh thần mạnh mẽ quật cường không ai sánh bằng.
  • cây xà nu đại thụ: Bảo vệ, che chở cho những lớp cây nhỏ hơn. Sức sống tiềm tàng không có bom đạn nào có thể quật ngã. Hình tượng của những già làng như cụ Mết, vừa tinh anh vừa phi thường. Không có thử thách nào có thể làm cụ Mết run sợ. Chính cụ Mết bảo vệ những “lớp cây non” như T Nú, nuôi dưỡng những anh hùng và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những thanh niên như T Nú.

T Nú ngoài là hình tượng cây xà nu con vượt qua gian nan thử thách để trưởng thành còn được xây dựng đậm chất sử thi với người anh hùng có xuất thân khác thường, cuộc sống khác thường cùng với phẩm chất hơn người. Qua cuộc đời T Nú chúng ta rút ra được bài học quý báu: Đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để tự giải phóng.

Nhựa xà nu chảy khi bị đạn bắn, đau thương không khác gì máu thịt con người bị vùi dập trong chiến tranh. Nhựa xà nu nung cháy đôi tay T Nú như để thức tỉnh và cổ vũ tinh thần chiến đấu cho dân làng Xô Man.

3. Kết bài:

Mở đầu và kết thúc tác giả Nguyễn Trung Thành đều miêu tả về những cánh rừng xà nu xanh ngắt, trùng điệp tiếp nối nhau trong tầm mắt. Như một minh chứng về sức sống bất diệt của loài cây không bom đạn nào hạ nổi. Cây này nằm xuống vài ba hôm sau bên cạnh đã có các cây con khác mọc lên. Đó cũng là minh chứng cho tinh thần đấu tranh của dân làng Xô Man.

>> Xem thêm:  Cảm nhận của em về đoạn 1 trong bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh

Cách kể truyện độc đáo: Truyện lồng trong truyện, cùng khung cảnh bao trùm truyện ngắn mang âm hưởng sử thi tạo một sự trang trọng và cảm giác chân thực cho tác phẩm.

Bài văn tham khảo

Khi kể về những tác phẩm truyện ngắn góp phần vực dậy tinh thần và tiếp lửa chiến đấu cho bao thế hệ thì không thể bỏ qua những tác phẩm để đời của Nguyễn Trung Thành như: Đất Nước Đứng Lên, Đất Quảng, tập truyện Trên Quê Hương Những Anh Hùng Điện Ngọc,…

   Nói về tập truyện Trên Quê Hương Những Anh Hùng Điện Ngọc thì không thể không nhắc đến Rừng Xà Nu – tác phẩm từng ra mắt trong tạp chí văn nghệ quân giải phóng miền trung bộ. Trong khi cả nước sôi sục với những cuộc đấu tranh chống Mỹ ở từng địa phương, tác phẩm viết ra cùng chung với tình hình thời sự của cả nước. Tuy khung cảnh trong truyện Rừng Xà Nu chỉ gói gọn khung cảnh sinh hoạt và chiến đấu của làng Xô Man nhưng thực chất đó cũng chính là không khí chung, tình hình chung của khắp mặt trận miền nam.

   Mặc dù cây xà nu chỉ được xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm và nhân vật chính của tác phẩm là chàng  trai tên T Nú nhưng tựa đề vẫn lấy là “Rừng Xà Nu” bởi vì sự bao quát chung tinh thần của cả tác phẩm chính là sức sống mãnh liệt và tinh thần quật khởi của rừng xà nu cũng chính là tinh thần của người dân làng Xô Man.

   Mở đầu tác giả miêu tả rất chi tiết về cánh rừng xà nu dưới mưa bom bão đạn trông vừa đau thương nhưng lại tràn trề nhựa sống. Giữa cánh rừng nhiều cây đổ rạp, nhiều cây “vết thương” còn chưa lành, nhựa ứa ra như máu. Cách nhân hóa cây xà nu như một nhân thể là ý đồ khéo léo để tác giả đưa nhân vật chính của mình vào truyện một cách tự nhiên và dễ dàng cho người đọc có thể so sánh liên tưởng.

   Rừng xà nu chính là hình ảnh tượng trưng sinh động nhất cho làng Xô Man. Với từng con người trong buôn làng đều mạnh mẽ, gan góc, bất khuất như cây xà nu. Những cây xà nu con lớn ngang tầm ngực vốn là thứ cây ham ánh sáng, vượt lên rất nhanh. Nhưng những cây xà nu nơi đây trong tầm đại bác của giặc nên tuy cây còn rất nhỏ nhưng đã bị đạn bác bắn đứt ngang. Những cây con tràn trề sức sống, tràn trề sinh khí nhưng bị chiến tranh tàn phá và tước đoạt mạng sống không khác gì những cây trưởng thành khác trong khu rừng. Hình ảnh đáng thương của lớp cây con làm chúng ta liên tưởng đến những đứa trẻ đầy sức sống như T Nú và Mai thuở nhỏ, như Dít, thằng Heng và đứa bé con của T Nú,… tất cả những đứa trẻ đều đang tuổi ăn tuổi lớn, đang tuổi hồn nhiên vui chơi nhưng do chiến tranh đã khiến chúng phải biết lo lắng và lao động từ rất sớm. Chiến tranh ác liệt không chừa một ai, không chừa cả những đứa trẻ ham vui, ham học như T Nú và Mai.

>> Xem thêm:  Trình bày hoàn cảnh ra đời của Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh


   Những cây xà nu con vượt qua được mưa bom bão đạn thì sống vượt lên mạnh mẽ, đó chẳng phải là hình ảnh của cậu bé T Nú hay sao. Cuộc sống T Nú từ khi sinh ra đã mang nhiều đau thương. Cậu là đứa trẻ mồ côi, được cụ Mết nuôi lớn, được anh Quyết cán bộ dạy bảo. Sự gan góc, ham sống, ham muốn trưởng thành để làm cách mạng. Cây xà nu lớn theo ánh mặt trời thì T Nú lớn lên theo “ánh sáng” của Đảng.
T Nú không khác gì cây xà nu trong cánh rừng, bị chiến tranh làm cho trọng thương không biết bao lần. T Nú thuở nhỏ cùng Mai vào rừng nuôi giấu cán bộ, cùng Mai làm liên lạc. Cậu bé bị bắt trong một lần đang vượt suối đưa thư cho cán bộ. Cậu bé nhỏ choắt đứng dưới thắt lưng cụ Mết nay bị giặc bắt và đánh đập dã man. Sau ba ngày bị giam cầm, trên lưng của cậu bé ngang dọc toàn vết roi và vết chém. Hình ảnh đứa trẻ bị tra tấn chính là minh chứng mạnh mẽ nhất cho tội ác của chiến tranh. Thế nào là bảo hộ, thế nào là khai sáng khi cả một đứa trẻ tuổi còn chưa lớn đã bị vết thương chiến tranh làm cho tàn tạ. Nhưng T Nú sống với đúng tinh thần của dân làng Xô Man, đúng với tinh thần của những cây xà nu. Dù cho lưỡi dao kề cổ cậu bé cũng không run sợ, cũng không khai ra cộng sản. T Nú bị bắt giam ba năm, vượt qua thử thách, vượt qua giai đoạn gian nan cực khổ nhất của một đứa trẻ phải trải qua. Như những cây xà nu con sau khi lành được vết thương thì sức sống lại càng mãnh liệt. Khi chúng cao hơn đầu người thì không có gì có thể khiến chúng gục ngã nữa. T Nú trở về làng sau ba năm và trở thành lực lượng thanh niên nòng cốt để củng cố sức mạnh và tinh thần cho cả buôn làng. Những đòn roi, những vết chém của quân thù chỉ để bồi thêm cho tinh thần đấu tranh quật cường trong con người anh hùng. T Nú trở về làng và cùng dân làng mài vũ khí, ấp ủ tinh thần đấu tranh vũ trang cho một ngày không xa. Những thanh niên nhiệt huyết với cách mạng như T Nú, Mai, chị Plom,… như những cây xà nu trưởng thành tỏa tán xanh, dùng thân thể khỏe mạnh, lực lưỡng không sợ bom đạn dày xéo để vượt lên che chở cho cả làng. Những tán xanh nối tiếp nhau suốt mấy quãng đồi.

   Minh chứng rõ ràng nhất cho những cây xà nu cổ thụ, dùng tất cả tinh thần và sức lực để che chở, nuôi dưỡng và đốc thúc lớp trẻ phía sau mình biết cố gắng, biết hi sinh vì buôn làng vì đất nước đó chính là hình ảnh của cụ Mết. Cụ là một người đã lớn tuổi nhưng cơ thể được miêu tả cường tráng và khỏe mạnh không khác gì một thanh niên. Tiếng của ông cụ ồ ồ và nghe rất oai phong, cụ là người có tiếng nói nhất trong làng. Cụ là một người tình cảm nhưng dám vì nghĩa mà quên thân. Cụ thương yêu T Nú không khác gì con cháu  ruột thịt nhưng khi T Nú nằm trong tay giặc cụ chỉ nói một câu: “T Nú đừng làm xấu hổ làng Xô-man”.

>> Xem thêm:  MS738 – Các nhà văn học được văn trong chuyện cổ tích và học được thơ trong ca dao

   Tác giả Nguyễn Trung Thành sử dụng hình ảnh rừng xà nu với những cây già đổ xuống đã có những cây con khác mọc lên ngay bên cạnh, để thể hiện tinh thần quật cường không sợ hy sinh, không sợ gian khổ của dân làng Xô Man. Tác giả muốn khẳng định rằng dù không có một người như T Nú, không có một già làng như cụ Mết, không có những lớp thanh niên gan dạ, quả cảm như Mai, Dít, Heng,… thì người dân S trá vẫn có những con người khác, anh dũng và quả cảm không kém gì họ. Bom đạn chiến tranh có thể tiêu diệt được thân xác người S Trá chứ không tiêu diệt ý chí chiến đấu của người S Trá.

   Truyện ngắn rừng xà nu tập trung nói về cuộc đời đầy đau thương nhưng cũng vô cùng anh dũng của chàng trai mang tên T Nú, biểu tượng cao đẹp của những người thanh niên vì nghĩa quên thân. Biểu tượng cao đẹp cho tình yêu bất diệt đối với cách mạng. Qua sự kiên cường bất khuất của chàng trai T Nú còn giúp tác giả chứng minh một điều rằng dù cho mình nhún ngường bao nhiêu, dù cho mình cam chịu đến mức nào đi nữa thì kẻ thù không vì thế mà buông súng, kẻ thù không vì thế mà rút lui. Chỉ có bạo lực cách mạng mới đánh đổ được bạo lực phản cách mạng. T Nú bị bắt và tra tấn dã man dù chỉ là một đứa trẻ. Cả buôn làng hiền hòa của anh không bao giờ làm hại ai nhưng ngày đêm bị đại bác bắn ráo riết. Đến khi T Nú có vợ, có con giặc cũng không tha mạng cho những người trong tay không có một tấc sắt. Khi bắt được T Nú bọn phản cách mạng còn cố tình tra tấn anh dã man trước mặt đồng bào S Trá. Bọn giặc nghĩ rằng chỉ cần hù dọa họ bằng sự đau đớn của T Nú, hù dọa bằng ngọn lửa từ nhựa xà nu trên bàn tay của T Nú thì có thể làm chùn bước và giảm nhuệ khí của người dân làng Xô Man. Nhưng không, khi con người ta ở tận cùng căm phẫn, tận cùng đau đớn thì họ tất yếu sẽ phản kháng để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Đối với T Nú, nỗi đau đớn nhất đời anh chính là nhìn hết lượt vợ con mình, anh em đồng chí của mình chết ngay trước mặt mình vì bàn tay giặc. Nhưng càng vì thế anh càng muốn chiến đấu. Thà là hi sinh để từ nay không còn một ai giống như anh phải chịu đau thương mất mát nữa.

   Bằng cách mở đầu và kết thúc tác giả đều sử dụng hình ảnh cách rừng xà nu xanh hút mắt, cánh rừng bao la nối tiếp nhau bất tận trong tầm mắt tạo một sự trọn vẹn cho tác phẩm. Màu xanh bình yên của cành lá cũng chính là biểu hiện của ước mơ bình yên, hạnh phúc dài lâu. Sử dụng thủ pháp truyện lồng trong truyện, tác giả khiến cho tác phẩm của mình có chiều sâu hơn. Những câu chuyện về cuộc đời  T Nú trở nên sống động và chân thực khiến người ta cảm thấy dường như T Nú không chỉ là nhân vật hư cấu của Nguyễn Trung Thành nữa mà là một người anh hùng rất đời thực.

Nguyễn Thị Yến


Nguồn bài viết: MS262 – Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành Tại: Hoami.edu.vn

Chuyên Mục Văn Mẫu Lớp 12

Xem Thêm:   Soạn văn Bài 32: Bài ca phong cảnh Hương Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *