MS261 – Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

MS261 – Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Dàn ý chi tiết


1. Mở bài:

Kim Lân là cây bút truyện ngắn, thế giới nghệ thuật của ông là khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân.

những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân: Làng, Nên vợ nên chồng và tập truyện ngắn “con chó xấu xí” có tác phẩm vợ nhặt là tiêu biểu.

Truyện ngắn Vợ Nhặt nói tình cảnh đói khổ của người dân Việt Nam trong giai đoạn 1945 qua con mắt nhân đạo của nhà văn. Tình yêu thương đùm bọc giữa người với người tỏa sáng đẹp đẽ giữa tăm tối của cái đói và cái chết.

2. Thân bài:

Số phận khốn khổ của những nhân vật là nạn nhân của nạn đói.

  • Tràng:Tràng là một chàng trai tốt bụng và lượng thiện. Chàng còn rất dễ gần vì thế trẻ con trong xóm lúc nào thấy chàng cũng rất vui vẻ, thích thú. Vì quá nghèo mà không thể cưới được vợ. Vì quá nghèo mà phải lam lũ kiếm sống để đến mức bản thân trở nên thô kệch, xấu xí.
  • “Thị” người vợ nhặt: Lưu lạc khắp nơi vì miếng ăn. Không biết quê quán, không biết người thân. Để sống thị đã phải trở nên chao chát, chỏng lỏn. Sống không màng sĩ diện. Thị làm vợ của người ta chỉ bằng ba bát bánh đúc, một lời bông đùa của người không thân thiết.
  • Bà cụ Tứ: Người mẹ tuổi đã cao nhưng còn canh cánh một nỗi lo lâu trong lòng vì đứa con trai chưa thể dựng vợ.Luôn áy náy với con trai vì không có đủ điều kiện để lo lắng cho con như những gia đình khác.

Mặc dù mẹ con cụ Tứ cũng như bao gia đình khác, đều nghèo đói nhưng ở họ lại có một trái tim rất lương thiện và thương người: giữa cái đói khiến người ta chết như ngả rạ, ngày nào cũng có vài ba cái xác chết chỏng chơ bên đường, nhưng hai mẹ con cụ Tứ vẫn có thể mở lòng bao dung và cưu mang một người đàn bà lạ lẫm trở thành con dâu của gia đình.

Việc “nhặt” được một cô vợ của Tràng làm thay đổi tâm trạng của rất nhiều người:

  • Tâm trạng của chính Tràng: Ban đầu chỉ có hơi lo lắng, băn khoăn. Nhưng rồi chàng “chậc, kệ!” Cảm giác hạnh phúc đã lấn át đi cảm xúc lo lắng của chàng. Sau khi có vợ rồi, Tràng vẫn chưa thể tin được chỉ qua hai lần gặp gỡ mà một người nghèo khổ, thô kệch như chàng lại có được một cô vợ. cảm giác vào sáng đầu tiên chàng có vợ là một cảm giác của một người đàn ông biết được vị trí quan trọng của mình trong gia đình, chàng thấy mình trưởng thành và phải có nghĩa vụ xây dựng, chăm lo cho mẹ và vợ.
  • Tâm trạng của “người vợ nhặt”: Vì miếng ăn mà chịu theo không người ta về làm vợ. Ban đầu thị nhắm mắt đưa chân không một giây đắn đo. Nhưng khi được Tràng đưa về nhà, khi thấy mọi người xung quanh đã xác định thị là vợ Tràng thì thị bắt đầu có cảm giác thẹn thùng, lo lắng. Khi về nhìn thấy gia cảnh của chàng trai sắp là chồng mình thì nàng bắt đầu lo lắng nhiều hơn. Rồi cuối cùng, khi được tình cảm ấm áp ân cần của hai mẹ con cụ Tứ chăm sóc hỏi han, nàng chấp nhận hiện thực và vun vén gia đình như một nàng dâu thảo hiền thực thụ. Nàng từ một thứ vứt ngoài đường cho người ta nhặt thì đã trở thành một cô con dâu hiếu thảo, đảm đang, khéo léo đầy tự hào của mẹ con cụ Tứ.
  • Tâm trạng của bà cụ Tứ: từ ngạc nhiên đến tủi phận. Bà thương cho con trai nghèo khó đến nỗi không thể cưới một cô vợ thật theo tục lệ. Bà lo lắng cho số phận của ba người nghèo đói trong một ngôi nhà rách nát. Bà thương cho người con dâu run rủi, cùng quẫn thế nào mới về làm vợ người ta mà không được cưới hỏi đường hoàng. Nhưng việc con trai bà có vợ cũng như là một mầm xanh mọc trên nền đất tâm hồn đã cằn cỗi, âm u của bà. sau đó chính bà là người vun vén ước mơ và hy vọng cho đôi vợ chồng trẻ.
  • Tâm trạng của những người dân xóm ngụ cư: Giữa cái cảnh đói sầm vì đói khát, chuyện Tràng dẫn một cô gái lạ về nhà khiến ai cũng tò mò. Trong giây lát họ quên cuộc đời nghèo khó bần cùng, để nghĩ về tương lai và số phận của đôi vợ chồng trẻ. Việc lấy được vợ là một chuyện vui, điều đó dường như không phải là niềm vui riêng của một mình gia đình cụ Tứ.

>> Xem thêm:  Giới thiệu về bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng đầy đủ chi tiết nhất

3. Kết bài:

Cảnh đối đáp, trêu ghẹo tình tứ của cặp vợ chồng mới giữa không gian tối tăm, giữa mùi đốt rấm, mùi xác người chết, giữa tiếng quạ kêu và tiếng lá xào xạc vẫn rất tình tứ và đáng yêu.

Với bút pháp tả thực, không chút tô vẽ tráng lệ nhưng người đọc cảm nhận được sự ấm áp, đáng yêu lan tỏa từ một chuyện tình lạ lùng nhất đời.

Dù cho người ta phải đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết nhưng tình người vẫn tỏa sáng và lan tỏa làm cuộc sống phần nào tốt đẹp thêm lên.

Bài văn tham khảo

Người ta đi tìm vàng trong cát đã là khó khăn, nhưng Kim Lân lại chọn con đường đi tìm bụi vàng trong đám bùn lầy. Công việc của ông lại còn khó khăn và bất hợp lý hơn bao giờ hết. Ấy thế mà mảng văn chương về đời sống người nông dân và người lao động cực khổ của ông lại có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Những câu chuyện ngắn chân thật, dân giã. Những câu chuyện đi sâu đi sát vào cuộc sống của người lao động của Kim Lân có một thứ đẹp đẽ giản dị thấm đượm tình người khiến người ta đọc qua vừa cảm thấy buồn thương, vừa cảm thấy trân quý.

Tác giả Kim Lân có rất nhiều tác phẩm viết về người nông dân Việt Nam như:  Làng, Nên vợ nên chồng và tập truyện ngắn “con chó xấu xí” có tác phẩm “Vợ nhặt” là tiêu biểu.

Người ta biết cặp đôi vợ chồng hụt nổi tiếng của văn học Việt Nam là Chí Phèo và Thị Nở. Số phận của hai con người này kể đến cũng đã thấy thật cay đắng và éo le. Nhưng vẫn có một cặp vợ chồng éo le và bi đát hơn cả Chí Phèo và Thị Nở. Số phận của cặp đôi này còn rẻ mạt hơn cả Thị Nợ xấu ma chê quỷ khóc. Đó chính là vợ chồng anh cu Tràng trong tác phẩm Vơ Nhặt của nhà văn Kim Lân. Chàng “nhặt được vợ” theo đúng nghĩa đen và cô vợ rẻ rúng đến độ không có nổi một cái tên riêng.

Người ta thường nói “Nhà văn nói láo, nhà báo nói phét” nhưng giữa cái đói khủng khiếp gây ra hàng triệu cái chết cho đồng bào ta năm 1945 thì việc “nhặt vợ” lại chẳng phải là chuyện nói phét nữa. Khi người ta đói đến mức một lúc ăn hết ba bát bánh đúc, đói đến mức phải đi nhặt thóc rơi trên đường, phải ăn cám, phải ăn lá chuối với muối  thì việc nhặt vợ chẳng có gì vô lý. Điều cần nói ở đây là trong cảnh đói kém như thế, đến bản thân mình còn chưa biết sống chết ra sao thì có ai dũng cảm “nhặt” một người xa lạ về nhà để tốn thêm một miệng ăn?

Thế mà anh cu Tràng chất phác, thật thà đã chịu “nhặt” một người về để làm vợ, hay nói như mấy người trong xóm ngụ cư là “đèo bòng”. Cuộc sống khốn khó khiến cho Tràng trở thành một anh thanh niên xấu xí, thô kệch; Đầu trọc, vai rộng như vai gấu, tướng đi gù gù chúi về phía trước, đôi mắt ti hí, khuôn mặt khi mỉm cười không những không trông vui vẻ thêm mà ngược lại trông hơi dữ tợn. Chàng đâu chỉ xấu mà chàng còn nghèo nữa. Nghèo tới nỗi bao lâu nay chỉ làm đủ để sống qua ngày với một mẹ già. Kể ra thì nếu Tràng ở thời đại tốt đẹp hơn một chút thì có lẽ Tràng mãn kiếp cũng không bao giờ có người yêu chứ đừng nói đến cưới một cô vợ. Nhưng cũng “nhờ cái đói khiếp khủng” mà Tràng có cơ duyên “nhặt” được một cô vợ tuy không vừa ý nhưng cũng vừa lòng.

>> Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Đô-xtoi-ép-xki hay đặc sắc


Tràng gặp gỡ người đàn bà ấy có hai lần. Một chàng trai chân thành, giản dị đến mức chỉ vì một nụ cười tình của một người đàn bà xa lạ đã thấy râm ran thích thú. Bởi vì Tràng chưa bao giờ được yêu. Dù cuộc sống nghèo khó, dù thân hình xấu xí thô kệch nhưng ở Tràng người ta thấy được một nét đẹp đáng quý từ trong tâm hồn, là vẻ ngốc nghếch khi Tràng thấy thích “thị” khi được “thị” cười tình. Là sự hiền lành, ấm áp khi Tràng chơi cùng lũ trẻ trong xóm. Mặc cho chúng trêu chọc, đu bám theo chàng. Tràng còn là một chàng trai rất thương mẹ, rất kính trọng bà. Dù cho chàng tự ý “nhặt” một cô vợ về nhà nhưng trong lòng cũng nơm nớp lo âu sợ mẹ sẽ phản đối, sợ mẹ sẽ không tác thành. Và khi được bà cụ đồng ý thì chàng thở phào nhẹ nhõm. Đến lúc mẹ chàng đồng ý cho hôn sự của chàng thì chàng mới tin việc chàng có vợ là sự thật chứ không còn là một trò bông đùa trên đường nữa. Buổi sáng đầu tiên khi có vợ, Tràng thấy nhiều thay đổi trong cuộc sống của mình. Ngôi nhà có thêm tình yêu bỗng dưng thật nề nếp và tươi đẹp hơn xưa. Nó khiến Tràng cảm thấy yêu hơn gia đình của mình, thấy mình trưởng thành hơn và phải có trách nhiệm hơn với mẹ già và vợ con sau này.

   Tình cảm giữa người với người cũng đã thay đổi chóng mặt một con người như người vợ nhặt. Một người đàn bà ban đầu cho một cái nhìn không thiện cảm. Thị chao chát, chỏng lỏn. Tình tứ với cả một gã xấu xí giữa kẻ chợ. Sẵn sàng vì miếng ăn mà theo người ta về làm vợ. Lời ăn tiếng nói của thị cũng không một chút thùy mị dịu dàng và đoan trang. Nhưng tâm trạng và tính cách của thị có chuyển biến rất rõ ràng từ khi nhận lời làm vợ Tràng. Ban đầu thị nhận lời theo kiểu bông đùa, nhận cho vui nhưng rồi sau mấy ngày dường như sắp chết đói đến nơi thì thị mặt dày đến tìm thẳng mặt Tràng mà bắt vạ. Thị bắt Tràng cho mình “ăn cơm trắng mấy giò” như lời đã nói hôm trước. Khi được cho ăn, còn được ngỏ ý về làm vợ, thị không một giây chần chừ mà đã nhận lời ngay tức khắc. Cả Tràng và thị có lẽ chỉ là đang cố ý đùa một cách rất thật nhưng rồi chẳng hiểu sao cả hai lại biến một câu nói đùa giữa chợ thành một việc thành thực đến vậy. Chỉ vì đói quá.

   Cho đến khi đã thật sự theo Tràng về nhà, khi bị những ánh mắt dòm ngó của những người trong xóm nghèo nhìn vào mình và nhận định mình trở thành vợ của Tràng thì thị bắt đầu bẽn lẽn kèm chút xấu hổ. Trên đường về nhà thị còn có chút tự tin và còn có sức để mà đùa giỡn với Tràng nhưng khi đã bước vào cổng nhà chồng rồi thì nàng thật sự thay đổi cảm xúc. Cô nàng chao chát ngoài kẻ chợ dường như trầm xuống, ít nói hẳn. Đôi mắt trong hai hõm sâu hoắc tư lự nhìn ra cổng, khuôn mặt pha chút buồn bã không thể mỉm cười, khuôn mặt ấy cũng lây qua cho Tràng một chút phân vân: “Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?… ồ sao nó lại buồn thế nhỉ?”. Và rồi cả hai đều lây cho nhau cảm xúc lo âu. Vậy là câu nói đùa đã thành sự thật, bây giờ cũng không thể nào thay đổi nữa. Cảm giác của thị khi nhìn thấy căn nhà xiêu vẹo rách nát của Tràng vốn không thật sự là vui mừng và hạnh phúc. Thị chỉ như chết đuối vớ đại một cái cọc gỗ mục mà không biết nó sẽ gãy bất cứ lúc nào.

   Tưởng chừng sau một đêm thị sẽ vì khốn khổ trước mắt mà ra đi, mà từ bỏ lời hò hẹn với Tràng. Nhưng không, thị đã ở lại, sau một đêm thị đã lột xác hoàn toàn. Trở thành một nàng dâu đảm đang khi thu dọn nhà cửa, áo quần tươm tất, gọn gàng. Ông bà ta có câu: “an cư lạc nghiệp”. Theo thói quen của người Việt, trước khi muốn làm việc đại sự, muốn thay đổi một nếp sống, muốn bắt đầu một mục tiêu mới hay cơ hội mới đều sẽ bắt đầu từ việc dọn dẹp chu tất, gọn gàng nhà cửa, nơi ở hoặc nơi làm việc. Khi mọi chuyện trong nhà đều gọn gàng đâu đấy thì sẽ an tâm hơn để làm những việc đại sự ngoài xã hội. Với gia đình nghèo của Tràng nhờ có ánh sáng của tình yêu thương mà việc dọn dẹp ngăn nắp nhà cửa cũng như để đón một tương lai tốt đẹp hơn. Nó khơi dậy niềm hi vọng trong lòng của Tràng, của vợ và cả bà cụ Tứ.

>> Xem thêm:  MS246 – Thuyết minh về cây tre Việt Nam

   Có lẽ do người già thì hay suy nghĩ nhiều hơn lớp trẻ. Nên việc lấy vợ của Tràng chỉ có mình cụ Tứ là khóc. Chắc cụ đã khóc không chỉ buổi tối hôm thị về với gia đình bà mà có lẽ đã khóc nhiều đêm trước đó. Bởi bà góa bụa, bởi bà nghèo nên bao nhiêu năm trời qua không thể lo nổi cho con được một người vợ. Nghĩ đi nghĩ lại thì Tràng chính là người nối dõi duy nhất của gia đình cụ Tứ vì nghe bà con xóm ngụ cư nói rằng cụ chẳng còn bà con nào. Với gánh nặng của người giữ gìn tổ tông dòng họ thì thử hỏi bà cụ Tứ đã buồn phiền và đau buồn mức nào khi nhìn thấy con trai ngày càng lớn nhưng không thể lấy vợ.

   Nhưng Tràng lấy được vợ rồi bà vẫn khóc, khóc bởi vì thương con phải gặp hoàn cảnh éo le mới có thể “nhặt” được một người về làm vợ. Thương con vì lấy vợ mà không có nổi một mâm cơm trình bái tổ tiên. Bà cũng khóc vì thương cho thân phận của “thị”, người con gái nào lấy chồng chẳng mong muốn được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người nào chẳng mong đường đường chính chính làm vợ người khác. Nhưng thị đã làm dâu của cụ Tứ mà chẳng có một cái lễ nào. Qua đây chúng ta cũng thấy sự cao thượng hiếm có ở một người mẹ. Trong xã hội cũ việc dựng vợ gả chồng đâu phải dễ dàng. Nào phải môn đăng hộ đối. Nào phải gia thế rạng rỡ. Không được giàu có thì cũng gia giáo,… Nhưng bà đã đón nhận “thị” bằng cả trái tim của một người mẹ. Cố gắng nén đau buồn tổn thương để vun đắp một hi vọng vào một ngày mai tốt đẹp cho con cái.

   Việc Tràng lấy vợ cũng như một điều gì đó vui vẻ, tươi sáng tỏa ra giữa xóm ngụ cư đầy tối tăm. Giữa cái cảnh tối sầm vì đói khát, chuyện Tràng dẫn một cô gái lạ về nhà khiến ai cũng tò mò. Trong giây lát họ quên cuộc đời nghèo khó bần cùng, để nghĩ về tương lai và số phận của đôi vợ chồng trẻ. Việc lấy được vợ là một chuyện vui, điều đó dường như không phải là niềm vui riêng của một mình gia đình cụ Tứ.

   Như đã nói từ mở đầu, nhà văn Kim Lân là con người tỉ mỉ tìm tòi cái đẹp trong bùn đất. Trong cái chân quê nhiều khi thô kệch. Nét đẹp duyên dáng lạ kì của đôi vợ chồng trẻ chẳng hề có sắc, cũng chẳng có tài bỗng nhiên tỏa sáng giữa giữa không gian tối tăm, giữa mùi đốt rấm, mùi xác người chết, giữa tiếng quạ kêu và tiếng lá xào xạc. Cảnh tình tứ của họ, mỗi người một câu, nhường nhịn và chân thành. Ngây ngô và mộc mạc. Tình cảm của họ dành cho nhau đơn giản vậy thôi mà xua tan đi nhưng bóng tối của cái đói và cái chết dật dờ xung quanh.

  Với bút pháp tả thực, không chút tô vẽ tráng lệ nhưng người đọc cảm nhận được sự ấm áp, đáng yêu lan tỏa từ một chuyện tình lạ lùng nhất đời. Kim Lân muốn gửi gắm đến chúng ta rằng dù cho người ta phải đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết nhưng tình người vẫn tỏa sáng và lan tỏa làm cuộc sống phần nào tốt đẹp thêm lên.

Nguyễn Thị Yến


Nguồn bài viết: MS261 – Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân Tại: Hoami.edu.vn

Chuyên Mục Văn Mẫu Lớp 12

Xem Thêm:   Soạn bài Rèn luyện kĩ năng mở bài kết bài trong văn nghị luận tiếp theo lớp 12 đầy đủ hay nhất

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *