MS259 – Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
Dòng sông Hương đã đi vào đời sống, văn học và lịch sử lâu đời bởi vẻ đẹp rất thơ của nó.
Bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những tác phẩm miêu tả xuất sắc nhất về con sông trữ tình này.
Con sông Hương không chỉ hiền hòa, đằm thắm mà cũng có những nét man dại, phóng khoáng mà chỉ qua đôi mắt rất nghệ thuật của nhà văn mới có thể lột tả hết vẻ đẹp ấy.
2. Thân bài:
Hoàng Phủ Ngọc Tường lấy cảm hứng của Truyện Kiều, lấy hình ảnh cặp tình nhân Thúy Kiều – Kim Trọng để làm nổi bật lên tính cách của con sông xứ sở này.
Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại. Giống nàng kiểu ở tuổi hồn nhiên vô lo vô nghĩ, bằng sự tài hoa, xinh đẹp của mình đã tự làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ tình cảm mình phá bỏ lối suy nghĩ phong kiến về tình yêu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Rừng già đã chế ngự bản năng của cô gái digan, dạy dỗ và biến đổi con sông để rồi khi ra khỏi rừng già con sông trở thành một thiếu nữ dịu dàng, trí tuệ. – Như nàng kiều được lớn lên trong gia đình gia giáo, được dạy dỗ nghiêm cẩn. Đến khi ra đời bởi biến cố lưu lạc nàng vẫn là một cô gái xinh đẹp tài hoa khiến ai ai cũng ngưỡng mộ.
Thủy trình của dòng sông khi ra khỏi rừng già cũng rất khó đoán biết với những khúc quanh co và đổi dòng liên tục của con sông. – chính cuộc đời thăng trầm nhiều biến cố của nàng kiều. Nhưng dù có thế nào thì người con gái ấy vẫn tốt đẹp và lương thiện. Như con sông vẫn hiền hòa chảy quay nuôi lớn những cánh đồng Châu Hóa đầy hoa thơm, cỏ lạ.
Dòng sông dù có liên tục thay đổi thủy trình nhưng mục tiêu cuối cùng của nó vẫn là tìm đến kinh thành – Như nàng Kiều dù mải miết rong ruổi theo dòng đời nhưng trái tim nàng vẫn một lòng một dạ với người tình nhân Kim Trọng.
Bằng cách sử dụng những động từ: ôm, vượt, vấp, vẽ, kéo,… Tác giả mô tả thủy trình của dòng sông khi đi qua những vùng đất như thể là bước chân của một người nào đó vừa ghé ngang. Biện pháp nhân hóa trên khiến cho sông Hương thực sự gần gũi. Khiến người ta thật sự có cảm giác sông Hương thật sự là một cô gái có tâm hồn đẹp.
Cách sông Hương chảy trong lòng thành phố, dịu dàng tĩnh lặng như một nàng thơ kiều diễm yên tâm thẹn thùng đứng bên cạnh chàng trai mình yêu thương. Như nàng Kiều gặp gỡ lại Kim Trọng sau muôn vàn biến cố của cuộc đời.
Tác giả so sánh dòng chảy của sông Hương với con sông băng Neva của thành phố Leningrad của Nga, với con sông Hy Lạp của Heracolit. Mỗi con sông đều chảy qua thành phố của nó một cách vội vàng và tiếc nuối. Chỉ có sông Hương trong ánh mắt tác giả là trôi thật chậm, đủ để người ta nhớ thương, đủ để người ta tâm tình trước khi dòng Hương giang rời xa thành phố.
Sông Hương còn được nhắc đến với vai trò quan trọng của nó trong đời sống văn hóa của người dân xứ Huế: Với văn hóa đô thị cổ ven sông có xóm thuyền, có cây đa và những nhánh sông đào đưa nước sông Hương lan tỏa khắp thành phố nhỏ; với văn hóa ca Huế trên sông Hương. Dòng sông ban tặng cho đồng bằng Châu Hóa phù sa và nguồn nước tốt lành để mảnh đất này trở thành nơi cung cấp rau xanh cho cả thành phố. dòng sông là cảm hứng bất tận cho nhiều nhà thơ.
Sông Hương còn gắn liền với lịch sử dân tộc: là dòng sông bảo vệ biên thùy: biên giới phía Nam, là dòng Linh Giang ghi dấu những thế kỷ vinh quang của các vua Hùng. Chứng kiến các cột mốc lịch sử của dân tộc từ những thế kỉ 18, 19, Là nhân chứng nhẫn nại và kiên cường qua những thăng trầm của cuộc đời.
3. Kết bài
Bằng tình cảm gắn bó của mình đối với quê hương xứ sở, nhà văn đã vẽ lên một bức tranh vô cùng tinh tế về tỉ mỉ về hình ảnh một con sông lịch sử có đầy đủ cả hình ảnh, màu sắc và tính cách.
Bằng biện pháp nhân hóa và so sánh tác giả đã nêu bật hình ảnh con sông khiến sông Hương không thể lẫn với bất kì một con sông nào khác trên đất nước này.
Sông Hương qua ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn chỉ là một dòng nước chảy vô tri nữa mà đã hóa thành một sinh thể có linh hồn có tính cách. Dòng sông trở thành mẹ, thành chị, thành em gái và thành một vị thần nào đó muôn đời che chở và bảo vệ cho người dân xứ Huế.
Bài văn tham khảo
Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang
(Tiếng hát sông Hương – Tố Hữu)
Từ cổ chí kim, khi người ta nói về những gì rất tình tứ, rất dịu dàng. Khi người ta cần lắng đọng suy tư đều tìm đến sông Hương xứ Huế. Có lẽ bởi chính mảnh đất cố đô ngàn năm văn hiến. Bởi con sông hiền hòa ôm lấy những lăng tẩm ngủ yên trong những rừng cây đầy trầm mặc nên sông Hương luôn là nơi khơi nguồn cho bao xúc cảm nghệ thuật đẹp đẽ.
Có lẽ chính vì được nuôi lớn từ mạch nước thơm thảo của Hương giang nên nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mới có thể viết nên bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” Một cách sinh động, chân thực, cụ thể và mới lạ đến thế.
Dưới đôi mắt của một nhà nghiên cứu, tác giả không chỉ nhìn thấy vẻ lặng lờ thơ mộng của dòng sông Hương mà còn nhìn được nét tính cách sâu thẳm của Hương giang mà xưa nay chưa ai nói ra.
Mở đầu bút ký nhà văn nhắc đến rất nhiều về cụ Nguyễn Du và tác phẩm truyện Kiều của ông. Và đây cũng chính là cảm hứng chủ đạo để Hoàng Phủ Ngọc Tường mô tả những nét tính cách của dòng sông Hương. Hương giang sinh ra giữa đại ngàn với núi rừng hùng vĩ trùng điệp. Ẩn sâu dưới tán rừng xanh thẫm và màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng là một thiếu nữ trẻ trung phóng khoáng. Như tác giả có nói: “Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại.” Đây chính là nét tính cách độc đáo, lạ lẫm xưa nay chưa ai từng biết mà có thể họ cũng không thể ngờ có một dòng sông tự do, phóng khoáng, mạnh mẽ đến thế trước khi nó trở thành một dòng sông mềm mại quyến rũ chảy trong nội thành. Nét tính cách mạnh mẽ, quyết liệt ấy thật giống với nàng Kiều ở tuổi son trẻ. Nàng Kiều của chúng ta cũng yêu hận quyết đoán. Là một cô gái mạnh mẽ dám dấn thân và chủ động trong tình yêu, bước qua vòng lễ giáo để tìm được tình yêu của mình.
Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Người ta có thể thay đổi hình dáng, lối sống nhưng không thể nào thay đổi bản chất. Hương giang cũng vậy, bản chất của nó vốn là một cô gái đằm thắm, xinh đẹp, tài hoa nên “Vừa ra khỏi rừng già” đã trở thành một thiếu nữ đằm thắm, duyên dáng. Rừng già đã chế ngự bản năng của cô gái digan, dạy dỗ và biến đổi con sông để rồi khi ra khỏi rừng già con sông trở thành một thiếu nữ dịu dàng, trí tuệ. Như nàng kiều được lớn lên trong gia đình gia giáo, được dạy dỗ nghiêm cẩn. Đến khi ra đời bởi biến cố lưu lạc nàng vẫn là một cô gái xinh đẹp tài hoa khiến ai ai cũng ngưỡng mộ.
Thủy trình của dòng sông khi ra khỏi rừng già cũng rất khó đoán biết với những khúc quanh co và đổi dòng liên tục như chính cuộc đời thăng trầm nhiều biến cố của nàng Kiều. Nhưng dù có thế nào thì người con gái ấy vẫn tốt đẹp và lương thiện. Như con sông vẫn hiền hòa chảy quay nuôi lớn những cánh đồng Châu Hóa đầy hoa thơm, cỏ lạ.
Dòng sông dù có liên tục thay đổi thủy trình nhưng mục tiêu cuối cùng của nó vẫn là tìm đến kinh thành. Như nàng Kiều dù mải miết rong ruổi theo dòng đời nhưng trái tim nàng vẫn một lòng một dạ với người tình nhân Kim Trọng.
Bằng cách sử dụng những động từ: ôm, vượt, vấp, vẽ, kéo,… Tác giả mô tả thủy trình của dòng sông khi đi qua những vùng đất như thể là bước chân của một người nào đó vừa ghé ngang. Những hành động tuy đột ngột nhưng vẫn giữ được vẻ kiêu sa, diễm lệ. Như thể một nàng tiểu thư biết giữ gìn hình tượng thục nữ trước trang nam tử mình hằng yêu mến. Biện pháp nhân hóa trên khiến cho sông Hương thực sự gần gũi. Khiến người ta có cảm giác sông Hương thật sự là một cô gái có tâm hồn đẹp.
Cuối cùng sau bao cuộc thăng trầm người con gái Hương giang cũng tìm được người tình trăm năm của mình. Sông Hương gặp gỡ kinh thành với vẻ đẹp lắng đọng và chín muồi. Dòng sông tình tứ ôm trọn tình yêu của mình với kinh thành với nét cong mềm mại của dòng sông, “như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Mặc dù xa cách bao lâu, dù cho nhớ thương có đầy vơi nhưng người con gái ấy vẫn thật duyên dáng và ý tứ. Sông Hương không vồ vập ôm lấy kinh thành, không mơn trớn khẳng định tình yêu mà chỉ lặng lẽ chảy trong lòng phố, lặng lẽ san sẻ “tình yêu thương” qua những con sông đào lan tỏa khắp thành phố. Như nàng Kiều sau bao gian truân mới tìm lại được tri kỷ, nhưng rồi nàng và Kim Trọng chỉ đi bên nhau, lặng lẽ yêu thương nhau như bạn bè, như cố nhân.
Sông Hương trở nên hữu tình đâu chỉ vì cách nó ôm trọn cả một vùng đồng bằng, ôm trọn cố đô. Sông Hương đối với tác giả còn đẹp bởi dòng chảy lặng lờ chậm rãi của nó. Nếu như người ta đi khắp mọi miền tổ quốc để tìm cái mới lạ, cái huyên náo cái sinh động thì sông Hương như một nốt nhạc trầm cho con người được lắng lòng mình với thiên nhiên. Tác giả so sánh dòng chảy của sông Hương với con sông băng Neva của thành phố Leningrad của Nga, với con sông Hy Lạp trong câu nói bất hủ của Heracolit: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông
Mỗi con sông đều chảy qua thành phố của nó một cách vội vàng và tiếc nuối. Chỉ có sông Hương trong ánh mắt tác giả là trôi thật chậm, đủ để người ta nhớ thương, đủ để người ta tâm tình trước khi dòng Hương giang rời xa thành phố.
Sông Hương còn được nhắc đến với vai trò quan trọng của nó trong đời sống văn hóa của người dân xứ Huế: Với văn hóa đô thị cổ ven sông có xóm thuyền, có cây đa và những nhánh sông đào đưa nước sông Hương lan tỏa khắp thành phố nhỏ; với văn hóa ca Huế trên sông Hương. Dòng sông ban tặng cho đồng bằng Châu Hóa phù sa và nguồn nước tốt lành để mảnh đất này trở thành nơi cung cấp rau xanh cho cả thành phố.
Sông Hương cũng ngày càng đẹp thêm lên, cành lúc càng đằm thắm sâu sắc hơn qua rất nhiều lời ca tụng của các bậc văn hào.
“Dòng sông trắng- lá cây xanh trong cái nhìn tinh tế của Tản Ðà, từ tha thiết mơ màng nó chợt nhiên hùng tráng lên như kiếm dựng trời xanh trong khí phách của Cao Bá Quát; từ nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bãng lãng trong hồn thơ bà Huyện Thanh Quan, nó đột khởi thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn, trong thơ Tố Hữu.Và ở đây, một lần nữa, sông Hương quả thực là Kiều rất Kiều trong cái nhìn thắm thiết tình người của tác giả “Từ ấy”
Hay trong bài “Đêm Khuya tự tình với sông Hương” nhà thơ Hàn Mặc Tử có viết:
“Thuyền em đậu bến Hương Giang
Chờ người quân tử lỡ làng tình duyên”
Ngoài cái vẻ dịu dàng của Hương giang thì dòng sông cũng có sự mạnh mẽ kiên cường không thể không nhắc đến. Đất nước ta trải qua bao cuộc đổi thay, bao nhiêu năm chìm trong chiến tranh, bom đạn. Sông Hương vươn mình che chở biên thùy, đưa vai hứng lấy những đau đớn chiến tranh để bảo vệ độc lập của non sông. Như Nguyễn Trãi trân trọng gọi sông hương là Linh giang để biết ơn sự bảo bọc và chứng nhân lịch sử qua bao triều đại vua Hùng. Cho đến mãi những thế kỉ 18, 19 sau này dòng sông vẫn kiên nhẫn bên cạnh che chở cho những người con xứ Huế qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt với những chiến công vang dội trên con sông trữ tình ấy.
Với tình cảm gắn bó của mình đối với quê hương xứ sở, nhà văn đã vẽ lên một bức tranh vô cùng tinh tế về tỉ mỉ về hình ảnh một con sông lịch sử có đầy đủ cả hình ảnh, màu sắc và tính cách. Bằng biện pháp nhân hóa và so sánh tác giả đã nêu bật hình ảnh con sông khiến sông Hương không thể lẫn với bất kì một con sông nào khác trên đất nước này. Nếu như người ta biết đến con sông Đà với tính tình lúc dữ dội lúc lại dịu êm. Một cô gái khó đoán biết, khó nắm bắt. Thì đối với sông Hương người ta chỉ cần yêu “nàng” thôi vì bản chất của “nàng” đã phô bày cả từ cái tên cho đến hình hài.
Sông Hương qua ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn chỉ là một dòng nước chảy vô tri nữa mà đã hóa thành một sinh thể có linh hồn có tính cách. Dòng sông trở thành mẹ, thành chị, thành em gái và thành một vị thần nào đó muôn đời che chở và bảo vệ cho người dân xứ Huế.
Nguyễn Thị Yến
Nguồn bài viết: MS259 – Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường Tại: Hoami.edu.vn
Chuyên Mục Văn Mẫu Lớp 12